Cảm nhận từ Tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên – Huế 2022
Tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên – Huế 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và VINASA phối hợp tổ chức trong 3 ngày từ 17 đến 19/8 vừa qua tại Huế. Rất nhiều nội dung được trình bày, nhiều chủ đề nóng được mổ xẻ, nhiều giải pháp được giới thiệu, nhiều hợp tác được ký kết, nhưng vượt lên tất cả là sự hào hứng của hơn 1000 lượt đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đón nhận những thông tin mới nhất về chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra trên cả nước, về những giải pháp công nghệ mới được giới thiệu và những kết quả ban đầu đáng trân trọng của vùng đất cố đô trong quá trình CĐS.
Bài này, chúng tôi mong muốn chia sẻ cảm nhận của mình về một số điểm nhấn mà tuần lễ CĐS này mang lại để bạn đọc tham khảo, hy vọng có thể là hữu ích cho công cuộc CĐS đang diễn ra ở mỗi địa phương, bộ ngành.
Những điểm sáng
Trong Hội thảo có nhiều điểm sáng, trong đó có hai điểm sáng nhất là:
a/ Tấm gương của các nhà lãnh đạo
Chúng ta luôn nói “Người đứng đầu có vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi số”. Điều đó hoàn toàn đúng trong trường hợp tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vào cuộc chỉ đạo triển khai ứng dụng và phát triển CNTT ở tỉnh liên tục và bền bỉ suốt hơn 20 năm qua, từ 2001 đến nay. Dù trải qua nhiều thời kỳ như “Tin học hóa quản lý nhà nước” (2001 – 2005), “Xây dựng chính quyền điện tử” (2006 – 2020), “Chuyển đổi số” (từ 2020), qua nhiều thế hệ lãnh đạo nhưng tinh thần phải đưa được các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT vào cuộc sống của tỉnh luôn nhất quán. Quá trình “luyện công” bền bỉ này đã mang lại trái ngọt khi tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong hai năm liên tiếp gần đây, vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam.
Đây là bài học mà nhiều địa phương nên học tập vì CĐS là quá trình chuyển đổi mọi hoạt động KTXH lên một thang bậc tiến hóa mới (gọi là tiến hóa số, văn minh số) cao hơn rất nhiều so với hiện nay. Vì vậy, CĐS không chỉ là nhiệm vụ mà cao hơn thế, là cơ hội tiến lên văn minh, hiện đại theo cách nhanh nhất. Đó là việc của các nhà lãnh đạo, của người đứng đầu.
c/ Độc đáo Hue-S
Chuyển đổi số trước tiên và quan trọng nhất là làm thay đổi quy trình làm việc, từ lối làm việc tách biệt, độc lập kiểu cũ sang cách làm việc phối hợp, tương tác trong một không gian chung có sự phục vụ của các cơ chế tự động thông minh. Vì thế, việc xây dựng và đưa vào sử dụng các nền tảng số có ý nghĩa quyết định và cũng được xem là thước đo về mức độ trưởng thành số của một tổ chức, doanh nghiệp hay một ngành, một địa phương.
Khái niệm “Nền tảng số” được hiểu chung “là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để giao dịch, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, nền tảng đó có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì mà sử dụng nền tảng như một dịch vụ” (theo Minh Khuê).
Sự sáng tạo ra nền tảng số Hue-S là một thành công to lớn có tính đột phá cao của tỉnh Thừa Thiên – Huế, vì nền tảng này tạo ra môi trường làm việc chung không chỉ cho các cơ quan chính quyền (nền tảng xây dựng chính quyền số) mà còn cho cả các doanh nghiệp (nền tảng phát triển kinh tế số) và người dân (nền tảng phát triển xã hội số), tất cả đều sử dụng chung hạ tầng số của tỉnh. Với nội hàm đó, Hue-S xứng đáng được gọi là “Nền tảng số đầu mối” (Digital platform hub) – nơi hội tụ nhiều nền tảng số chuyên ngành.
Phát triển Hue – S không chỉ là tạo ra công cụ giúp bộ máy chính quyền Thừa Thiên – Huế quản lý KTXH sâu sát hơn, hiệu quả hơn mà còn mở ra một cách trực quan cho cán bộ công chức của tỉnh và cả người dân và doanh nghiệp của tỉnh (những người sử dụng dịch vụ công, giao tiếp với chính quyền) tiếp cận một cách làm mới mà trước đó chưa có: Làm việc cùng nhau trên nền tảng số (đây là cách nhanh nhất giúp thay đổi phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền, là tấm gương cho xã hội noi theo, là hệ sinh thái kết nối xã hội). Vì lẽ này, Hue – S nên được bổ sung, hoàn thiện và nhất là lan tỏa, chia sẻ đến các địa phương khác vì điều đó sẽ thúc đẩy chuyền đổi số nhanh hơn trong cả nước, nhất là đóng góp cho việc hình thành chính phủ số nhanh và thuận tiện hơn (vì cùng dùng chung nguyên lý kiến trúc nền tảng số).
Những điểm còn trăn trở
a/ Khát những giải pháp CĐS cụ thể
Nội hàm chính của quá trình CĐS là các hệ thống vật lý – số (cyber physical system viết tắt là CPS) hiểu theo nghĩa “các hệ thống có khả năng tính toán, xử lý dữ liệu trong không gian số, quyết định, điều khiển (tự động) các dòng vật lý trong thế giới thực” (theo GS Hồ Tú Bảo). Có phát triển được các CPS thì mới kiến tạo được các cơ chế thông minh của các hệ thống ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Những giải pháp cụ thể về phát triển và ứng dụng các CPS đó chưa xuất hiện trong Hội thảo hoặc chỉ mới phảng phất.
Ví dụ vấn đề di sản, mới đề cập tới “số hóa di sản” chứ chưa có giải pháp cụ thể bảo vệ, bảo tồn, quảng bá và nhất là tạo ra giá trị gia tăng một cách thông minh từ quá trình chuyển đổi số trong quản lý di sản. Hình ảnh này là phổ biến trong các lĩnh vực khác.
c/ Yếu tố quán tính và khát vọng tìm kiếm động lực mới
Hầu như trong tất cả các báo cáo trình bày tại Hội thảo, dấu ấn của “điện tử hóa” còn rất đậm. Đó là quán tính của các nhà phát triển các hệ thống ứng dụng CNTT vốn đã quen với phương pháp tư duy và kỹ năng lập trình truyền thống. Các sản phẩm điện tử hóa (hay tin học hóa) luôn bám sát quy trình nghiệp vụ, làm cho nó hoàn hảo hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Chuyển đổi số có cách tiếp cận hoàn toàn khác: Ứng dụng các công nghệ số làm thay đổi quy trình nghiệp vụ, tạo ra quy trình mới hiệu quả hơn gấp bội nhờ khả năng chọn lựa được phương án tối ưu trong mọi tình huống (tính thông minh của quy trình mới). Có như thế CĐS mới đóng vai trò là quá trình động lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, việc phát triển và triển khai các ứng dụng vào thực tế trong quá trình CĐS là vấn đề các ngành các địa phương nên cân nhắc thật kỹ vì tất cả nỗ lực của ngành/địa phương là hướng tới chuyển đổi phương thức sản xuất của xã hội chứ không phải là ứng dụng các công nghệ mới trên nền phương thức sản xuất truyền thống.
Ý kiến đề xuất
Nếu chọn việc ưu tiên nên làm trước thì chúng tôi cho rằng các địa phương nên tập trung vào việc xây dựng các mô hình mẫu về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực vì đó là cốt lõi của nền kinh tế số – đối tượng trung tâm của quá trình chuyển đổi số (và của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4). Ví dụ các mô hình: Du lịch số hay du lịch thông minh, Nông nghiệp số, Công nghiệp số, Thương mại số, Logistics số, Môi trường số, Trường học số (cả đại học), Bệnh viện số…
Mỗi một ngành hay lĩnh vực nên chọn một hay một vài đơn vị để xây dựng mô hình mẫu triển khai chuyển đổi số với các cấp độ khác nhau, từ đơn giản như sử dụng trợ lý số đến cao hơn như tự động một phần khối lượng công việc và cao hơn nữa, nếu tổ chức hay doanh nghiệp có thể đạt tới. Tất cả các mô hình mẫu này nên phát triển trên các nền tảng số của ngành/địa phương (tương tự như Hue-S) vì đó là phương án tối ưu và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích khi mở rộng và phát triển.
Các doanh nghiệp hết sức nhạy bén nếu chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao hơn cách làm truyền thống 20% – 30% (về doanh thu, năng suất lao động, giá trị gia tăng tăng thêm, tiết kiệm chi phí, thực tế cho thấy con số này còn cao hơn nhiều khi làm đúng) thì chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số ở các địa phương sẽ phát triển bùng nổ. Đây là lực lượng chủ lực của nền kinh tế số. Giàu có lên hay không là do họ.
Trong quá trình phát triển cộng đồng doanh nghiệp xuất phát từ việc học tập, lan tỏa các mô hình đó, các giải pháp công nghệ tiên tiến của thời đại nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số sẽ được tích hợp dần vào quy trình sản xuất, làm thay đổi về chất các quy trình sản xuất đó. Đây là nội hàm chính trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế số ở các địa phương của nước ta trong kỷ nguyên số.
Vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp số gắn với nền tảng số của ngành/địa phương nên sẽ xuất hiện hàng loạt vấn đề mới mẻ. Đó là nhờ thu thập dữ liệu tự động về các thực thể (người dân, doanh nghiệp, thửa đất, di sản,…) mà chính quyền địa phương có thể đóng góp dữ liệu cập nhật cho các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia. Các CSDL này đã được hình thành từ việc số hóa dữ liệu điều tra. Nếu không được cập nhật, chúng trở nên lỗi thời và chỉ có ý nghĩa tham khảo. Tuy nhiên, nếu được cập nhật thì mọi chuyện lại khác. Trong tất cả các phương án cập nhật các CSDL quốc gia này thì cập nhật tự động từ hoạt động thường nhật của các tổ chức, doanh nghiệp số ở các địa phương là đơn giản, không tốn phí mà lại chính xác nhất.
Thay lời kết
Trong CĐS, có nhiều yếu tố tác động lên sự thành bại, trong đó, nhận thức đúng về CĐS đóng vai trò quyết định vì hiểu đúng thì mới làm được. Việc triển khai CĐS hơi chậm một chút cũng có thể chấp nhận (vì chuyển đổi số là quá trình kéo dài hàng chục năm và không có điểm dừng) nên nếu cần dành thời gian để nâng cao nhận thức về CĐS cho mọi tầng lớp xã hội (công chức trong bộ máy nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể, cộng đồng,…) để hiểu đầy đủ, sâu sắc về CĐS thì cũng nên làm.
Ở Việt Nam, đây là quá trình chuyển đổi từ phương thức sản xuất thủ công bán tự động sang phương thức thông minh, nơi có các cơ chế tự động thông minh làm thay con người trong những việc mà trước đó do con người đảm nhiệm nhưng theo cách khác, hiệu quả hơn gấp bội và có nhiều trường hợp, cách làm là hoàn toàn mới. Mức độ thay thế càng cao thì độ trưởng thành số càng cao. Vấn đề quan trọng là thực hiện việc đó như thế nào, theo phương pháp nào, dùng công cụ gì? Rất may mắn là ở Việt Nam, tất cả các thành phần đó đều đã hội đủ.
Hy vọng tới Tuần lễ chuyển đổi số kế tiếp chúng ta được tiếp cận nhiều hơn những nội dung mới, đặc biệt là các CPS thương hiệu Việt Nam.
Theo tgs.vn