Thừa Thiên Huế: 100 ngày chuyển đổi số cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đó là nội dung trọng tâm do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chỉ đạo thực hiện tại chương trình Bàn tròn chuyển đổi số vừa diễn ra sáng ngày 29/4 tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Là phiên làm việc thứ 7 tại Tuần lễ Chuyển đổi số Huế – 2021,với chủ đề “Hợp tác, phát triển kinh tế vùng từ chuyển đổi số”, chương trình Bàn tròn chuyển đổi số là hoạt động để các cơ quan, các hiệp hội, các doanh nghiệp của các địa phương gặp gỡ, trao đổi về khả năng, nhu cầu, giải pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số hướng đến kinh tế số, xã hội số.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngày 27/4 vừa qua, Thừa Thiên Huế vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế, mở rộng diện tích gấp 3,7 lần. Đây là một bước quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, đó là: đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Ông Phan Ngọc Thọ nhận định: Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế, vì vậy mong muốn cộng đồng doanh nghiệp có sự quan tâm nhiều hơn nữa trong việc giới thiệu, chia sẻ các giải pháp mới, cách thức phối hợp, triển khai để thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại chương trình, các đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, các Hội và hiệp hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã được nghe chia sẻ “Một số kinh nghiệm của TP.HCM về Xây dựng Đô thị thông minh, Chuyển đổi số” (ông Phí Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM) và “Báo cáo tổng quan về hiện trạng và nhu cầu Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế” (ông Cung Trọng Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế).
Nhận định chuyển đổi số là xu hướng trên toàn thế giới, là quá trình tất yếu của tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là “cú hích” cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Dương Tuấn Anh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 5.437 doanh nghiệp đang hoạt động (tính đến ngày 31/12/2020), trong đó khoảng 1/3 doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt cho chuyển đổi số, tuy nhiên số doanh nghiệp còn lại vẫn đang hoạt động rất chậm chạp, rất mơ hồ về khái niệm “chuyển đổi số”; đặc biệt, với số lượng 4.620 là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 86,4% tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đây là lực lượng đang đối mặt với nhiều rào cản để có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số (kỹ năng số, nền tảng CNTT, tư duy kỹ thuật số…).
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham dự tại chương trình cho rằng: Thực tế các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện nay cũng tham dự hội thảo, hội nghị rất nhiều, nghe cũng hiểu nhưng khi thực hiện thì không biết bắt đầu từ đâu. Áp lực của các doanh nghiệp này bên cạnh việc giới hạn về nhân sự, trình độ, vốn đầu tư…, để hình thành được kỹ năng để hội nhập với chuyển đổi số rất cần sự quan tâm, hướng dẫn cụ thể hơn nữa, gắn với từng doanh nghiệp để thực hiện.
Bên cạnh việc xem xét lại mức độ sẵn sàng, sự thích ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc chuyển đổi số, tiếp cận với công nghệ 4.0, theo ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh (KHCN) đề xuất không nên giới hạn chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Về phía Sở KHCN, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (trong đó có công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ, công nghệ số); xây dựng đề án “Cố đô khởi nghiệp” và 1 loạt các chính sách để tạo môi trường tốt nhất hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử.
Ông Lê Duy Khang (Cố vấn Marketing, Công ty phát triển phần mềm Zoho Việt Nam) cho rằng, việc căn cơ nhưng có thể thực hiện được ngay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp chuyên nghiệp và uy tín hơn trong mắt khách hàng đó là đăng ký sử dụng và định danh doanh nghiệp với tên miền thông qua email và website. Sự đồng bộ, chỉn chu từ những bước cơ bản như vậy nhưng hiệu quả rõ ràng là doanh nghiệp sẽ hình thành nên tệp dữ liệu khách hàng trong quá trình trao đổi, làm việc.
Chủ trì điều phối phiên Bàn tròn, ông Vũ Anh Tuấn – Tổng thư ký Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) cho biết: Chuyển đổi số không phải là đích đến mà chính là một hành trình. Để nâng cao chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự sẵn sàng của đội ngũ quản lý đóng vai trò rất quan trọng để mỗi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, và trước hết, chuyển đổi số chính là việc ứng dụng CNTT trong quá trình quản lý, điều hành và triển khai công việc tại doanh nghiệp cũng như số hóa các quy trình trong doanh nghiệp…
Chương trình đã ghi nhận nhiều chia sẻ hay, cách thức triển khai áp dụng trong thực tiễn, bên cạnh các giải pháp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đại biểu còn tham gia nhiều ý kiến đóng góp nhằm hình thành đội ngũ 10.000 nhân lực CNTT đến năm 2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như các giải pháp gắn với các lĩnh vực mà Thừa Thiên Huế đang tập trung đầu tư, phát triển. Với tinh thần cầu thị, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM hãy xem Thừa Thiên Huế như một địa phương điểm để thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế là điểm sáng của cả nước về chuyển đổi số quốc gia.