Vì sao Viettel lựa chọn triết lý đã tạo nên thành công cho các startup ở Silicon Valley để đặt tên cho phương pháp luận chuyển đổi số?
Agile ra đời trong bối cảnh ngành phát triển phần mềm gặp nhiều thử thách với cách thức phát triển truyền thống, là tiếp cận tuyến tính, thực hiện tuần tự các bước theo kế hoạch.
Cách tiếp cận cũ này thường gặp rất nhiều rủi ro không thể tiên lượng trước, ví dụ như khách hàng thường xuyên thay đổi yêu cầu trong quá trình sản xuất, thường là do họ không biết mình cần gì cho đến khi trực tiếp sử dụng sản phẩm, hoặc yêu cầu ban đầu đã lỗi thời và không đáp ứng được mục tiêu kinh doanh. Khi yêu cầu thay đổi, toàn bộ các bước phải tiến hành lại. Kết quả là sản phẩm làm ra không đúng yêu cầu của khách hàng, bị trễ thời gian, hoặc quá ngân sách.
Agile xuất hiện, với ý nghĩa lõi là nhanh chóng thích ứng và phản hồi với thay đổi, từ đó đạt được thành công trong một môi trường liên tục biến động và không chắc chắn, đã nhanh chóng làm thay đổi diện mạo nền công nghệ thế giới, cũng như đang lan tỏa mạnh mẽ và thể hiện giá trị trong nhiều lĩnh vực khác. Để thích ứng nhanh, rất nhiều DN trên thế giới đã áp dụng “văn hóa Agile” vào mô hình tổ chức trong đó có Việt Nam và đã thành công, minh chứng rõ nét nhất là trong đại dịch Covid, những doanh nghiệp có văn hóa Agile với mô hình kinh doanh thích ứng đều tăng trưởng trên 2 con số.
Theo Vietnam Agile Report 2021, khả năng cải tiến liên tục, khả năng linh hoạt trước sự thay đổi chưa thể đoán định cùng với khả năng phản hồi liên tục với khách hàng và thị trường là những lợi ích lớn nhất của Agile đối với chuyển đổi số, cùng với đó là sự minh bệnh về tiến độ và hoạt động của các bộ phận, cũng như việc giao tiếp và gắn kết đội ngũ.
Viettel Agile
Nhận thấy “Agile” đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người, dễ nhớ, dễ đọc, mà còn phù hợp với triết lý “Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh” của Viettel, phù hợp cho mong muốn “Khai phóng tiềm năng số” (digi-potential) của Viettel Solutions, ban lãnh đạo Viettel Solutions đã lấy tên triết lý này để đặt tên cho phương pháp luận chuyển đổi số của mình.
Qua tên gọi của dịch vụ, Viettel Solutions gửi gắm các thông điệp hàm ý về các bước và trình tự của chuyển đổi số:
Chữ “A” đầu tiên là viết tắt của từ “Aware”: với ý nghĩa Viettel Solutions sẽ giúp khách hàng của mình nhận thức được các “Pain Point” (nỗi đau) và thiết lập các nhận thức chung trong toàn tổ chức, đối tác và các cá nhân liên quan, thông qua khung tiêu chí, được Viettel Solutions xây dựng dựa trên sự nghiên cứu chuyên sâu và tham khảo từ các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như TMForum hay các hãng Big4, kết hợp với việc cá thể hóa theo chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị trong các tổ chức và doanh nghiệp được khảo sát.
Việc này xuất phát từ một thực tế rất thường thấy ở các doanh nghiệp Việt muốn chuyển đổi số. Kết quả một khảo sát từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho thấy, có 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số. Tuy nhiên, khi được hỏi, đa phần những doanh nghiệp này cho biết họ chưa biết bắt đầu từ đâu, thực thi như thế nào.
Mặt khác, theo Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2021, doanh nghiệp cũng gặp phải rất nhiều rào cản khác. Có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số chiếm tỷ lệ 52,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát, là rào cản thứ hai khiến họ gặp trở ngại trong chuyển đổi số.
Các khó khăn chính tiếp theo gồm: Thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (45,4%), Thiếu thông tin về công nghệ số (40,4%) và Khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số (38,5%). Các rào cản còn lại như Thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo và quản lý DN; Thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động và Sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, DN xếp ở mức thấp nhất với tỷ lệ lần lượt là 32,1%, 26,6% và 23,4%.
Việc nhận biết “nỗi đau” là khâu vô cùng quan trọng để Viettel Solutions có thể hỗ trợ các khách hàng trong việc chuyển đổi số. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá càng rõ ràng thì việc “chẩn đoán” sức khỏe số càng sát và tư vấn càng sát với hiện trạng doanh nghiệp.
Chữ “G” là viết tắt của từ “Go Through” mang ý nghĩa Viettel Solutions sẽ cùng khách hàng của mình xem xét đánh giá mức độ trưởng thành số toàn diện và xây dựng một kế hoạch toàn diện về Chuyển đổi số với các ưu tiên trọng tâm; theo đó, Viettel sẽ có các phân kỳ hợp lý để giảm áp lực về chi phí, vốn, và khuyến nghị các giải pháp phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp, loại bỏ rào cản lớn nhất.
Chữ “I” đại diện cho từ “Implement” là triển khai các sáng kiến chuyển đổi số theo lộ trình đã xây dựng; Chữ “L” trong từ “Learn” bắt nguồn từ văn hóa “Continuous Improvement”, nghĩa là liên tục học, cải tiến, tối ưu các sáng kiến đã triển khai; để giải quyết khó khăn trong thay đổi văn hoá, tập quán kinh doanh.
Và chữ “E” trong “Enable” hướng đến việc Viettel Solutions cùng các doanh nghiệp và tổ chức hiện thực hóa và khai phóng tiềm năng số của mình. Với đội ngũ chuyên gia và hàng ngàn kỹ sư, Viettel có thể hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết việc thiếu nhân lực cho chuyển đổi số.
Bà Trịnh Thị Lan, Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn chuyển đổi số của Viettel Solutions chia sẻ: “Trên thực tế, trong quá trình chuyển đổi số, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức không biết phải làm những việc gì, phải bắt đầu từ đâu trên hành trình chuyển đổi số. Cũng có câu hỏi đặt ra rằng, việc chuyển đổi số cần những sáng kiến như thế nào, trong bao lâu thì xong, tốn chi phí ra sao’’.
Trên thực tế phương pháp luận Viettel Agile cũng đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn triển khai như Vietnam Airlines, CEO Group, Bộ Quốc phòng, báo Quân đội Nhân dân, Tổng cục Hậu cần…
Một trong những thành công tiêu biểu việc ứng dụng phương pháp luận Viettel Agile là việc xây dựng trung tâm quản lý điều hành thông minh Huế. Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá: “Qua quá trình hợp tác với Viettel, trung tâm quản lý điều hành thông minh Huế đã hình thành tương đối đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đáp ứng được những nhu cầu cho người dân, đặc biệt là đã nâng cao tính tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền – một trong những vấn đề cốt lõi của đô thị thông minh”.
THEO VIETTEL