Thừa thiên Huế: Ưu tiên chuyển đổi số trong y tế và giáo dục
DNVN – Thông tin tại Hội thảo chuyển đổi số trên lĩnh vực y tế và giáo dục chiều 28/4/2021 cho thấy, y tế và giáo dục là hai ngành được tỉnh Thừa Thiên Huế đặt trọng tâm ưu tiên trong thực hiện chương trình chuyển đổi số.
Thời gian qua, chuyển đổi số đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm xây dựng chính quyền số, xã hội số, thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng thành phố di sản, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; trong đó, phát triển y tế và giáo dục được xác định là hai trong các lĩnh vực nền tảng của tỉnh về chuyển đổi số.
Cụ thể, đối với ngành y tế, 100% đơn vị khám chữa bệnh đã liên thông dữ liệu lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử từ tuyến xã, đến tỉnh và trung ương và liên thông hệ thống tiêm chủng; trên 95% người dân Thừa Thiên Huế đã có mã số hồ sơ sức khỏe điện tử và người dân có thể vào ứng dụng Hue-S để xem và theo dõi sức khỏe của mình.
Với mục tiêu của đến năm 2025, trên 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 80% đơn vị khám chữa bệnh hạng 2 trở lên và 50% đơn vị khám chữa bệnh hạng 3 triển khai bệnh án điện tử; 100% các bệnh viện triển khai nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đăng ký khám, chữa bệnh từ xa; 100% đơn vị khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 100 % thủ tục hành chính được mức độ 3 và trên 95% mức độ 4. Đến năm 2030, song song với việc duy trì các chỉ tiêu đã đạt được trước đó, ngành y tế tiến tới 100% hệ thống thông tin y tế được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp dữ liệu y tế và 100% đơn vị khám chữa bệnh hạng 2 trở lên và 80% đơn vị khám chữa bệnh hạng 3 triển khai bệnh án điện tử.
Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức quản lý và phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và giáo viên, giúp người dạy và người học phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động, góp phần xây dựng ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 trở trung tâm lớn của cả nước về giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Cơ bản đến 2030, phấn đấu duy trì 100% các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái số ngành giáo dục, thúc đẩy đạt mục tiêu xây dựng thành công chính quyền số, xã hội số trong giáo dục và các mục tiêu trong dạy học và kiểm tra đánh giá.100% đơn vị quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục chuyển đổi số thành công, triển khai sổ điểm, học bạ điện tử.Theo đó,trong thời gian tới, chuyển đổi số Ngành giáo dục sẽ tập trung vào hai nội dung chủ yếu là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá.
Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều tham luận và những ý kiến trao đổi của các đại biểu nhằm phân tích, làm rõ thêm về định hướng chuyển đổi số trên lĩnh vực y tế và giáo dục trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao những kết quả mà ngành y tế và giáo dục đã đạt được trong chuyển đổi số trong thời gian qua. Tuy nhiên, chuyển đổi số là quá trình, là hành trình cần có sự tham gia, góp mặt của tất cả các thành phần, từ cá nhân đến cơ quan, đơn vị và các cấp lãnh đạo, phải cùng đồng hành, cùng nỗ lực để đạt được những kết quả, lợi ích cho người dân, cho địa phương;vì vậy, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và giáo dục về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số cũng như tăng cường sự tham gia của các tổ chức, đơn vị và người dân cùng góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vui tiện ích mà chuyển đổi số mang lại. Thông qua chương trình Diễn đàn lần này, tỉnh sẽ đánh giá lại những kết quả đã đạt được, từ đó có kế hoạch cụ thể trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực y tế, giáo dục trong thời gian tới.
THEO DOANHNGHIEPVN